Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Trang phục nữ người dân tộc Brâu


    Dân tộc Brâu là một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam. Từ xưa, đồng bào sống trong cảnh nghèo nàn, lạc hậu, lại cách biệt với các dân tộc khác việc giao lưu kinh tế, học hỏi kinh nghiệm trong lao động sản xuất bị hạn chế nhiều mặt. Vốn là cư dân có hoạt động kinh tế đơn thuần, họ chỉ chú trọng làm nương rẫy trồng lúa, bắp, không có thêm ngành nghề gì khác. Vì thế từ xưa trang phục người Brâu hoàn toàn nương nhờ vào thành quả nghề dệt của các tộc người lân cận như: Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai.

Trang phục nữ người dân tộc Brâu
     Ngày nay, giao lưu kinh tế phát triển, văn hoá người Kinh hầu như đã chi phối người Brâu, đặc biệt trên lĩnh vực trang phục: đàn ông người Brâu mặc trang phục như người Kinh, phụ nữ mặc váy người Lào, áo người Kinh.
  TRANG PHỤC PHỤ NỮ BRÂU
     Trang phục của phụ nữ Brâu gồm: áo (ao), váy (kta), vòng cổ (dụk), vòng tay (coong slình), vòng chân (coọng răn).
– Áo (ao) của phụ nữ Brâu là kiểu áo chui đầu (pon cho) được cắt khâu rất đơn giản. Áo dài 54cm, rộng 41cm được ghép từ hai mảnh vải, không khoét cổ ở chính giữa phần trên để chừa một khoảng không khâu để chui đầu, hai bên nách để chừa một khoảng không khâu để xỏ tay.
– Váy (Jeta) được coi là loại váy cổ truyền của phụ nữ Brâu, do chính tay họ khâu. Nó hoàn toàn giống váy của người Ba Na từ chất liệu, hoa văn đến kiểu cách cắt may, duy chỉ có tên gọi là khác. Váy dài 113cm, rộng 54cm, được làm từ một mảnh vải khổ rộng, gấp đôi, khâu 2 bên mép lại với nhau thành hình trụ.
Khi mặc, người ta lồng từ trên đầu xuống rồi cuốn phần cạp lại cho chặt.
- Vòng tai (khuyên tai): Cũng giống như nhiều tộc người ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, nữ giới người Brâu có tục cà răng căng tai.

Từ khóa tìm kiếm nhiều: bản sắc văn hóa dân tộc